CAS: công nghệ cấp đông mới quả vải tiên tiến nhất
Quả vải đã được người tiêu dùng nhiều nước biết đến nhưng do có thời gian thu hoạch rất ngắn (35-40 ngày), vải dễ bị hư hỏng bởi thời tiết, nên đã tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt, vào đỉnh vụ, khối lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường rất lớn, gây ứ đọng, giá bán rất thấp đã gây ra thiệt hại cho nông dân.
CAS: Công nghệ giúp vải tươi quanh năm
Quả vải đã được người tiêu dùng nhiều nước biết đến nhưng do có thời gian thu hoạch rất ngắn (35-40 ngày), vải dễ bị hư hỏng bởi thời tiết, nên đã tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt, vào đỉnh vụ, khối lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường rất lớn, gây ứ đọng, giá bán rất thấp đã gây ra thiệt hại cho nông dân. Năm 2015, bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, vải thiều lần đầu tiên được xuất khẩu thành công đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp, Anh và Nhật Bản.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, quả vải Việt Nam gặp trở ngại lớn về giá và chất lượng so với vải thiều của Thái Lan và Trung Quốc. Khâu yếu nhất là công nghệ bảo quản quả của Việt Nam, được vận chuyển bằng đường hàng không nên giá thành cao. Những năm qua, nhiều kỹ thuật bảo quản quả vải đã được phát triển như sử dụng axit hữu cơ hoặc xử lý nước nóng, xông lưu huỳnh, phủ màng... nhưng màu sắc và chất lượng quả chỉ kéo dài được vài tuần.
Tuy nhiên, thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, giá vải thiều năm 2015 cao nhất tính trong 5 năm trở lại đây, đạt trung bình 15.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 tới 3.000 đồng/kg; giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.900 tỉ đồng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu về công nghệ giúp vải thiều Việt được giá chính là nhờ áp dụng công nghệ CAS (Cells Alive System). Bà Tạ Thu Hằng, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH&CN) cho hay, số vải xuất khẩu đã được áp dụng công nghệ này, phương thức chính là làm đông lạnh nhanh kết hợp từ trường.
Theo đó, các phân tử nước bên trong thực phẩm bị đông lạnh lại trong khi nhận rung chấn từ năng lượng từ trường hạn chế phân tử nước liên kết với nhau trong quá trình đông lạnh thông thường nên không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, ức chế quá trình bị oxy hóa, phòng chống sự gia tăng nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên mùi vị, lượng nước cần thiết trong một thời gian dài.
Vải thiều được lựa chọn trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ CAS. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Bà Tạ Thu Hằng cho rằng, công nghệ càng hiện đại thì kinh phí đầu tư thiết bị càng cao, nhưng cũng tạo ra giá trị gia tăng cao. “Nếu chúng ta bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS để xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS để bán trái vụ trong nước… vẫn hiệu quả. Chi phí thiết bị sẽ không đắt nếu biết sử dụng máy hiệu quả, bảo quản nhiều loại sản phẩm vào các thời vụ khác nhau”, bà Tạ Thu Hằng nói.
Thực tế, công nghệ CAS đang được Viện nghiên cứu và phát triển vùng kỳ vọng chuyển giao với rất nhiều ứng dụng khác nhau không chỉ trong việc bảo quản vải thiều mà trong cả việc bảo quản nông lâm, thủy sản nói chung.
Tháng 5/2014 dưới sự hợp tác của công ty ABI Nhật Bản và sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng hợp tác, công nghệ CAS đã được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau gần một năm nghiên cứu ứng dụng, hiện nay Viện đã làm chủ được quy trình và áp dụng trong các lĩnh vực bảo quản hải sản, nông sản. Những kết quả bước đầu cho kết quả khả quan.
Tôm sú được bảo quản tới 9 tháng, cá ngừ được bảo quản tới 2 tháng vẫn tươi ngon. Các loại hoa quả nguyên vỏ như vải, nhãn sau khi được bảo quản bằng CAS vẫn đảm bảo chất lượng sau 11 tháng. Các loại hoa quả tươi bóc vỏ thái lát như dưa hấu, thanh long, xoái, dứa, bơ, bưởi sau 2 tháng vẫn tươi ngon như mới thu hoạch.
Theo Đỗ Hương: Chinhphu.vn